Home / VĂN MẪU THPT / Văn mẫu lớp 12 / phân tích đoạn thơ thứ 3 trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng | văn mẫu

phân tích đoạn thơ thứ 3 trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng | văn mẫu

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy phân tích đoạn thơ thứ 3 trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

(Bài làm của học sinh Lưu Lan Anh, THPT Xuân Mai)

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

……….

Loading...

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

BÀI LÀM

Đề tài người lính luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho không ít các nhà thơ thời kì kháng chiến chống quân xâm lược. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống lại kẻ thù đã có rất nhiều nhà thơ viết về đề tài người lính. Trong số đó không thể không nói tới tác phẩm Tây Tiến của  Quang Dũng. Hình tượng nguồi lính Tây Tiến được tái hiện sinh động qua đoạn thơ dưới đây:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

……….

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

            Quang Dũng được biết đến là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc nhưng người ta vẫn nhớ đến một Quang Dũng – nhà thơ. Thơ ông phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, đặc biệt khi viết về đồng đội của mình – những người lính Tây Tiến. Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, trong đó Quang Dũng là đại đội trưởng với thành phần chủ yếu là học sinh, sinh viên Hà Nội, nhiệm vụ chủ yếu là phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt – Lào. Nhưng đến năm 1948, sau khi rời xa đồng đội do nhiệm vụ công tác, tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng nhớ da diết về đồng đội xưa và viết lên bài thơ Tây Tiến. Đoạn thơ chúng ta đang phân tích nằm ở đoạn thứ ba, tái hiện những vẻ đẹp chân dung của đoàn binh Tây Tiến.

            Trước tiên, hình tượng người lính Tây Tiến trong cuộc sống chiến đấu được khắc họa qua bốn dòng thơ đầu:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

            Vẻ đẹp dễ nhận thấy của người lính Tây Tiến là vẻ hào hùng, rắn rỏi, kiêu dũng. Với số lượng đông đảo “đoàn binh”, những người lính ngang tàng, dí dỏm trong cách nói chủ động “không mọc tóc”. Đó có thể là xuất phát từ thực tế thích nghi với điều kiện sinh hoạt và kháng chiến và đánh giáp lá cà hoặc do bệnh tật sốt rét rừng lảm rụng tóc, thành những anh “vệ trọc”. Nhưng lời thơ lại lạc quan, tinh nghịch đầy chất lính như bông đùa: không cần mọc tóc. Cũng vậy, hình ảnh quân xanh từ màu nước da xanh xao, gầy ốm vì sốt rét  không thuốc thang, không được nghỉ ngơi lại được ví với “dữ oai hùm” mạnh mẽ, dữ dằn, quắc thước của những con người làm chủ núi rừng và làm chủ mọi hoàn cảnh. Thực tế ta cũng từng gặp những vần thơ miêu tả sự khốn khó của bệnh tật mà người lính chống Pháp gặp phải:

Giọt giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ

Anh vệ quốc quân ơi

Sao mà yêu anh thế

(Tố Hữu)

Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

(Chính Hữu)

Như vậy, Quang Dũng không né tránh hiện thực khắc nghiệt nhưng không tác giả không chú trọng vào hậu quả của sự gian khổ mà lại đi ca ngợi vẻ đẹp như mãnh hổ ngự trị chốn rừng xanh. Điều này làm nổi bật vẻ đẹp ý chí người lính tuy ốm mà không yếu.

            Bên cạnh vẻ đẹp hào hùng về chân dung, người lính Tây Tiến còn mang trong mình một tâm hồn hào hoa, lãng mạn. Đôi mắt là tâm điểm của vẻ đẹp tâm hồn ấy; “mắt trừng” là mắt nhìn thẳng, mở to đầy tâm trạng. Đôi mắt ấy khao khát lập chiến công, mài sắc ý chí chiến đấu với kẻ thù. Đôi mắt ấy còn mơ về Hà Nội với dáng kiều thơm. Mơ về Hà Nội là mơ về những con đường nồng nàn hoa sữa, những trường xưa lớp cũ nơi họ đã gắn bó. Nhớ về dáng kiều thơm là nhớ về các thiếu nữ Hà Thành thanh lịch, yêu kiều. Những vần thơ một thời bị quy kết là mộng rớt tiểu tư sản ấy thực ra lại da diết niềm động viên từ hậu phương, là nguồn động lực để người lính chiến đấu, chiến thắng và trở về.

Bốn dòng thơ cuối tiếp tục tái hiện vẻ đẹp bi tráng của Tây Tiến khi hy sinh:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

“Mồ viễn xứ”, “về đất” đều là những từ ngữ thể hiện sự hy sinh, qua đó tác giả đề cập đến những mất mát hy sinh của chiến tranh, tuy vậy ông vẫn dùng lối nói giảm, nói tránh. Sự hy sinh ấy đẹp ngạo nghễ bởi họ mang trong mình lý tưởng chiến đấu tuyệt đẹp. Đem sức trẻ, tuổi thanh xuân “đời xanh” của mình xông pha vào bom đạn, hiểm nguy của chiến trường với tinh thần sôi nổi, tự nguyện “chẳng tiếc”. Có lẽ bởi thế mà Quang Dũng đã miêu tả sự hy sinh của họ bằng những từ ngữ giàu sức biểu đạt. Tuy nằm xuống thiếu cả manh chiếu che thân, nhưng Quang Dũng đã khoác lên cho học tấm áo bào đầy kiêu hãnh vốn chỉ dành cho những anh hùng xả thân mình vì đất nước. “Về đất” là các anh được đón nhận, yêu thương trong lòng Tổ quốc. Sự ra đi của người lính là nỗi đau lớn với dân tộc. Hình ảnh sông Mã gầm lên  đã diễn tả trọn vẹn trạng thái bi phẫn, dữ dội, mạnh mẽ, xót xa xen lẫn cảm phục tinh thần Tây Tiến. “Khúc độc hành” là tiếng nhạc thiêng, bản tráng ca đưa tiễn những người lính ấy.

            Đã hơn sáu mươi mùa xuân đi qua thế nhưng những vẻ đẹp về người lính Tây Tiến dường như không hề phai nhòa theo năm tháng mà nó vẫn còn mãi trong trái tim mỗi chúng ta. Dưới ngòi bút tinh tế của mình, Quang Dũng đã dựng lên bức tượng đài vô danh về người lính Tây Tiến mà ông ngày đêm thương nhớ. Và từ đó, Quang Dũng như muốn nhắn gửi tới thế hệ trẻ tương lai hãy lấy đó làm tấm gương để cố gắng học tập và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

>>>Xem thêm: 

Loading...

Check Also

soạn bài đây thôn vĩ dạ

Phân tích khổ thơ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử | Văn mẫu

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy phân tích khổ thơ 1 bài thơ Đây …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *